“Cuộc sống hạnh phúc thật đơn giản, tất cả đều phụ thuộc vào bạn, tùy thuộc vào cách bạn suy nghĩ” – Đại Đức Thích Thiện Đăng với tấm lòng từ bi, bác ái nơi cửa Phật đã đem yêu thương lan tỏa đến mọi người.
Mặc dù công việc của nhà chùa cũng rất bận rộn nhưng Thầy Thích Thiện Đăng luôn dành thời gian cùng lãnh đạo thôn, xóm thăm hỏi, giúp đỡ, động viên người dân tại địa phương chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, phấn đấu sống tốt đời đẹp đạo.
Mỗi lần nghe thấy ở đâu có cảnh đời éo le, khổ cực là thầy lại khăn gói lên đường tìm đến để giúp đỡ. Thầy luôn quan tâm, cập nhật tình hình đời sống của nhân dân địa phương Đức Huệ, Long An – nơi mình tu tập để kịp thời đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ.
Trong những năm qua, đại dịch Covid – 19 đã gây xáo trộn trên khắp địa cầu, đời sống của người dân nơi đây vốn khó khăn, lại càng chồng chất khó khăn. Không ít phụ huynh chưa có đủ điều kiện để mua sách, vở, quần áo… cho con cái trong năm học mới.
Thầy đã tặng những món quà thiết thực, ý nghĩa, kịp thời giúp các bậc phụ huynh các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vơi đi gánh nặng chi phí cho gia đình. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ giúp các em tiếp tục vững tin, ra sức thi đua phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Và lòng bác ái của Đại đức Thích Thiện Đăng càng ngày càng lớn dần và vươn xa hơn. Có tiền là thầy lại muốn giúp đỡ thật nhiều những người khó khăn không chỉ ở địa phương mình tu tập mà còn ở các nơi khác còn khó khăn, cơ cực, vừa trải qua thiên tai, dịch bệnh,… trong cả nước. Rồi những chuyến đi thiện nguyện chở nặng nghĩa tình của thầy càng ngày càng nhiều lên, chẳng đếm hết được.
Hành trình đem con chữ đến với trẻ em nghèo…
Đại đức Thích Thiện Đăng chia sẻ về cơ duyên mở lớp dạy học: “Năm 2016, trong một lần đi làm thiện nguyện và thăm trẻ em nghèo, tình cờ tôi thấy được cuộc sống nay đây mai đó, không có điều kiện đến trường, không được học chữ của các em. Lúc ấy, tôi biết rằng, mình nhất định phải làm điều gì đó”.
Chạnh lòng trước những trẻ em cơ nhỡ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cái ăn cái mặc thiếu thốn quanh năm, từ nhỏ đã phải lam lũ, vất vả mưu sinh, đến cái chữ bẻ đôi cũng không biết, thầy quyết tâm dạy chữ cho chúng. Đại Đức Thích Thiện Đăng sử dụng chính nơi nghỉ ngơi của mình để làm phòng học – tịnh thất Phước Quang.
Vị sư trẻ tận dụng tối đa không gian, dành ra khoảng 450m từ trong tịnh thất để làm phòng học. Thầy cũng tự tay chuẩn bị từng bộ bàn ghế để các em đến lớp được có không gian học tập thoải mái nhất, gần gũi với trường học công lập nhất.
Từ những ngày đầu còn lạ lẫm, chỉ có 17 học sinh đến lớp nhưng đến nay, lớp học tình thương Bát Nhã đã có hơn 100 học sinh, các em chủ yếu có độ tuổi từ 5 – 15 tuổi. Các em đến lớp với tâm thế rất vui vẻ, hứng khởi với ham muốn tiếp thu con chữ, thay đổi cuộc đời. Từng cây bút, từng cuốn tập cho đến quần áo và đồ dùng thường ngày của học sinh đều được thầy tự thân vận động các mạnh thường quân chuẩn bị. Các em ở những nơi xa xôi, thầy cũng nhờ được phương tiện di chuyển, đón các em đến lớp an toàn.
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, người thầy mặc áo cà sa cố gắng thu xếp công việc ở Chùa để dành ra 2 tiếng dạy học cho các em nhỏ. Trong quá trình dạy học, thầy cũng phải tìm hiểu sách vở, thu thập thêm tri thức và cân bằng cách dạy ở lớp học mà độ tuổi của các học sinh không giống nhau.
Chia sẻ về cách dạy với lớp học đặc biệt này, thầy Thích Thiện Đăng kể: “Tôi tự phân nhóm học sinh và dạy theo năng lực, cố gắng không dạy chung chung cho tất cả các độ tuổi. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé rất tốt”.
Không chỉ xóa mù chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, thầy Thích Thiện Đăng còn dạy kỹ năng sống, dạy cách bảo vệ bản thân, cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy đích thân hướng dẫn các em tham quan, tìm hiểu về các ngôi chùa, kể cho các em về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Qua quá trình miệt mài dạy dỗ, các học trò của người thầy đặc biệt này đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. “Khi thông thạo con chữ, tính toán rồi, em nào lớn lên muốn đi làm thì đi, còn muốn học thì tiếp tục học”.
Hằng ngày, vẫn còn những điều bất hạnh đang diễn ra, tấm lòng của Thầy Thích Thiện Đăng góp phần lan tỏa đến cộng đồng, giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Minh Tuấn