NHÀ THƠ ĐẶNG THỊ THANH HƯƠNG – KỂ CHUYỆN MƯU SINH TRÊN ĐẤT MỸ VẪN GIỮ NGUYÊN TÂM HỒN “CÔ SƠN NỮ” VIỆT NAM

Must read

Mắc kẹt” 2 năm trên đất Mỹ Đặng Thị Thanh Hương – một nhà thơ với trái tim “đa sầu đa cảm” phải bươn chải những công việc chưa từng làm bao giờ để có thể mưu sinh, để trải nghiệm, cùng khóc cùng cười với những cảm xúc thênh thang của chính mình. Một người Việt xa quê, chật vật trên đất khách quê người vì dịch Covid không thể quay về. Chợt nhận ra tuổi đã “xế chiều” nhưng tâm hồn lại hóa làm thiếu nữ sơn ca Việt Nam ngày nào.

“Dự định ở Mỹ vài tháng hoặc 1 năm thôi, ai ngờ giờ 2 năm rồi còn chưa thể quay về. Thành Phố Sài Gòn của tôi đang dịch bệnh quá nặng. Ngày ngày xem báo biết là đã hàng chục ngàn người ra đi vì covid. Thỉnh thoảng lại nhói lòng vì nghe tin một người xa xưa quen biết mới lìa đời. Đớn đau nhưng bất lực khi chỉ có thể gửi những đồng tiền ít ỏi về giúp mà thôi” – Đó là tất cả tâm can của một người con xa quê, nhà thơ – nhà báo lỗi lạc Đặng Thị Thanh Hương trút vào tiếng thở dài.

Những ngày đầu đoàn tụ cùng con cháu, chị vui và hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu và tận hưởng cuộc sống nơi thành phố California thú vị trong tâm hồn của một thi sĩ.

Nhưng rồi, dịch Covid giữ chị lại hai năm trên đất Mỹ khiến chị nhớ Việt Nam da diết. Đã biết bao đêm tỉnh giấc, chị thèm một giọng nói tiếng Việt ở xung quanh mình. Chị thèm một bữa cơm với một bát nước mắm, một món dưa và đậu phụ sốt cà chua. Chị cảm thấy những trống trải trong lòng những ngày dài đằng đẵng tại Mỹ. Nhưng rồi dần dần, chị đã tập bắt nhịp với cuộc sống mới và trôi theo dòng chảy đó, quê hương bỗng trở thành một nỗi nhớ, một cái gì đó mà chị chỉ có thể nuôi dưỡng ở trong ký ức chứ không thể chạm tay tới. Và nỗi nhớ đó theo thời gian cũng lặng hơn, nó không còn quay ngoắt. Chị phải tiếp tục với cuộc sống, chị làm báo, viết thơ và tìm công việc làm thêm, chị nhận ra rằng:

“Dù ở Việt Nam bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay hơn thế nữa, nhưng khi tới Mỹ thì bạn như là người mù chữ. Việc tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp đã học ở Việt Nam sẽ là điều không thể, vì vậy khi đặt chân tới mảnh đất thiên đường này, việc bạn phải trở thành thành phần lao động chân tay sẽ là điều tất yếu. Sự sĩ diện hay thể hiện màu mè kiểu người Việt thì đến đây cũng chẳng cần thiết nữa”.

Hai năm qua, chị nhận thấy rằng hóa ra mình lao động chân tay chẳng kém gì đàn ông dù từ bé chẳng bao giờ đụng chân, đụng tay vào những việc này. Chị có thể cầm máy cắt cỏ chạy băng băng sân nhà. Mặc dù công việc này chỉ có đàn ông Mỹ mới làm vì nặng nhọc. Chị thử đi làm công việc chăm sóc người già, em bé và chăm sóc thú cưng… Và hóa ra thấy lao động cũng chẳng phải khó khăn gì. Bây giờ chị rất khỏe, khác hẳn sự ốm yếu như lúc mới qua. Chị trở thành “người làm vườn vĩ đại” bên những luống rau xanh, củ quả đủ loại.

Nghề mưu sinh xứ Mỹ: Chăm sóc thú cưng, dắt thú cưng đi dạo

Nghề dắt chó đi dạo là một nghề mà nhiều người Mỹ rất thích và lựa chọn để làm thêm. Sau một thời gian tìm hiểu và chờ đợi có đủ giấy tờ hợp pháp, con gái chị đã lên trang web: rover.com ( chuyên dịch vụ trông thú cưng) để đăng kí cho chị làm thêm. Không ngờ hồ sơ mới được xét duyệt, chị đã nhận được rất nhiều tin nhắn của khách hàng. Người Mỹ có, người Việt cũng có. Hóa ra nhu cầu trông coi và dắt các thú cưng đi dạo là việc rất cần thiết. Người Mỹ yêu thú cưng như con, nên họ rất kĩ tính để lựa chọn người làm dịch vụ này. Người trông thú cưng phải yêu thương động vật ( có ảnh chứng minh), phải không nghiện rượu, và không có tiền án tiền sự. Ngày đầu tiên nhận 2 chú cún nghịch vô cùng, chạy nhảy ồn ào khắp nhà. Nhưng chúng quấn chị rất nhanh, có lẽ những chú cún luôn nhận biết người nào yêu quý chúng thật sự. Chiều ông chủ của hai em đến đón thấy chị đang dắt chúng chạy ngoài sân, ông thích quá trả ngay cho chị 100 USD.

Tuần đầu chị nhận trông 4 em cún, và phải từ chối khá nhiều người vì sợ không coi cẩn thận. Hàng ngày, chị phải chụp ảnh báo cáo cho chủ của các bé về việc ăn ngủ họ mới yên tâm. Chị dọn trong căn nhà rất rộng của mình nguyên 1 phòng nhỏ để cho mấy bé vào ngủ. Thằng cháu ngoại thì thích chí cứ lăn xả vào ôm ấp. Các chú cún Mỹ rất ngoan và thân thiện với trẻ con nên ít khi lo sợ chúng sẽ làm cho em bé bị thương. Cũng có con hơi to và dữ thì cũng chỉ 1giờ đến 2 giờ sau là cũng ngoan ngoãn nghe lời chị răm rắp. Trước giờ con chó nào gặp chị cũng rất thân thiện.

Bây giờ thì gần như ngày nào chị cũng nhận ít nhất 1-2 em cún. Hôm trước nuôi 1 bé cả tuần lúc trả nhớ vô cùng. Chỉ vài ngày ngắn ngủi sống cùng chúng mà khi chia tay chúng cũng làm chị bần thần.

Hai tuần vừa trông cháu, vừa làm báo online, và coi những em chó Mỹ thân thiện. Chị bận rộn thực sự với nghề mới, nhưng luôn thấy vui trong tình yêu thương dành cho các vị khách hàng đặc biệt này. Phí một ngày trông 1 em chó là $32-38 chị dành ra một phần gửi về quỹ vắc xin ở Việt Nam.

Nghề mưu sinh xứ Mỹ: Chăm người cao tuổi 

Ở xứ Mỹ, rất nhiều người khi mới sang đã chọn làm giúp việc gia đình. Đặc biệt là phụ nữ. Trên các nhóm hội Facebook hoặc báo tiếng Việt, rất dễ tìm thấy trong các trang rao vặt. Do tiếng Anh kém, lao động nặng nhọc, chị em thường không làm được nên đi chăm em bé hay coi người già là công việc khá phù hợp với họ. Nghe mấy chị giới thiệu chị thử đi làm chăm sóc người cao tuổi xem thế nào. Vào cuối tuần thứ bảy và chủ nhật chị chạy xe cách nhà 10 phút. Công việc của chị là chăm sóc cụ ông 87 tuổi bị tai biến. Mới đầu nghe tưởng đơn giản nhưng quả thật khi bắt tay vào làm mới thấy không dễ dàng gì! Cụ tuy bị tai biến liệt nửa người nhưng nặng tới hơn 70 kg. Cơ thể rất cường tráng chỉ là cụ không đi được!

Sáng rất sớm chị tới, đưa cụ ra khỏi giường, vệ sinh cá nhân và cho cụ ra ngoài nhà ăn sáng. Cũng may là có các loại máy móc hỗ trợ nên việc dùng sức cũng bớt đi phần nào. Cụ bà năm nay cũng đã hơn 80 nhưng sức khoẻ còn rất tốt. Biết chị chỉ là người làm không chuyên nên bà thường vào làm cùng chị. Những người già xứ Mỹ này nếu không có tiền thì sẽ vào các trại dưỡng lão nhà nước lo. Còn như hai ông bà do có lương hưu và khá giả nên mới thuê người làm. Hai cụ có 6 người con nhưng chẳng có ai ở cùng. Chị nhìn cụ bà nhớ mẹ mình ở nhà, bà bằng tuổi mẹ chị mà thật vất vả. Cái gì cũng phải tự làm. Đôi lúc bà bảo chị: chắc cái nghiệp của bà là thế nên cuối đời mới khổ vậy.

Gần 6 tháng thử làm công việc này với ngày được 125 đô, kể ra cũng là một thu nhập không tệ. Chị xin phép bà cho nghỉ. Dù bà rất tiếc muốn giữ chị lại, bà nói lâu lắm bà không tìm được người nào biết làm việc lại hiểu biết và nói chuyện được như cháu. Chị hứa rằng sẽ tới thăm ông bà thường xuyên dù không làm nữa.

Công việc mưu sinh trên đất Mỹ không hề dễ dàng. Chị muốn gửi đi thông điệp: “Xin đừng gọi người giúp việc nhà mình bằng cái tên chung “ô sin” như một sự phân biệt giai tầng. Ở đâu cũng là cuộc sống, việc gì cũng là vì cơm áo thế thôi!”

Hai năm trên đất Mỹ, chị thi xong bằng lái xe California và có tất cả những giấy tờ tùy thân ở Mỹ mà có khi ngay ở Sài Gòn chị còn chưa làm đủ. Chị có 1 công việc làm báo ưa thích và sở trường nhất dù làm báo xứ Mỹ này khác hẳn ở Việt Nam. Làm việc tay chân để kiếm tiền và đôi lúc chị chợt nhận ra rằng: Ở đây, cái tôi của mỗi người nên bỏ xó đâu đó nếu không muốn đói nghèo.

Mất hai năm để hội nhập, chị đã học thêm bao nhiêu điều cho cuộc sống này. Không phải vì chị chưa từng trải qua khó khăn, mà vì đã từng quá chật vật với khó khăn trong quá khứ để có thể kiếm tiền và nuôi dạy con trưởng thành. Mà giờ đây, khi tuổi đã muốn chọn bình yên với đam mê một đời thì lại phải “dậy sóng” một lần nữa. Trái tim chị thổn thức vô cùng.

Chị hồi tưởng: “Những ngôi nhà tôi di chuyển, những thành phố tôi đổi nơi sống đều đã để lại những ấn tượng khó quên cho một người phụ nữ độc lập. Hà Nội hơn 30 năm gắn bó và thành đạt nhưng cũng không đủ sự níu giữ khi tôi quyết định vào Sài Gòn. Chỉ sau 1 năm thực tế tôi cũng đã làm được nhiều điều ở đó. Có vài thứ không phải ai cũng có thể làm được khi tới nơi xa lạ… Vừa mới quen từng con phố, hàng cây và những căn nhà nhỏ tôi mua đi rồi bán lại ở Sài Gòn … Những tờ báo mà tôi đã làm từ Tân Bình tới quận 5 rồi quận 7… Vừa an yên thì tôi lại ra đi tới nửa vòng trái đất để tiếp tục đặt một bước chân của mình ở lại. Lần ra đi này, trên vai nặng một tương lai cho con cháu. Những gì tôi đã trải qua hai năm ở Mỹ cũng đủ để cho mình thay đổi về cách tư duy và lối sống”.

Chị không ngại sự thay đổi, không sợ khó khăn và không thiếu nghị lực. Chỉ có điều, hình như trải qua nửa đời người, chị vẫn giữ nguyên tâm hồn của một “sơn nữ” từ rừng xuống phố. Càng sống thì càng nhận ra mỗi một sự thay đổi phải tốt lên chứ không thể tụt lùi.

Mùa thu đã về, sớm nay California mưa nhẹ và trời đầy gió… Chị ngồi biên tập lại tập thơ thứ 8 chuẩn bị xuất bản tại Việt Nam. Phải mất 2 năm chị mới lại quen với cuộc sống này. Và 2 năm ấy là những trang nhật kí tâm hồn chị kí thác bằng thơ ca.

Cherry

- Advertisement -spot_img

More articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -spot_img

Latest article